TOP 10 Di Sản Văn Hóa Phi Vật Thể Của Việt Nam Được UNESCO Công Nhận
Trải qua hơn 4.000 năm lịch sử Việt Nam là đất nước sở hữu một kho tàng văn hoá đồ sộ và độc đáo. Trong đó có nhiều loại hình văn hoá được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, không những không hề mai một mà chúng không ngừng được con người tái tạo cho phù hợp với thời đại. Nếu như bạn chưa biết đến các di sản phi vật thể độc đáo của Việt Nam thì hãy cùng TOP10AZ tìm hiểu TOP 10 di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO công nhận sau đây nhé!
1Nhã nhạc cung đình Huế
Được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể vào năm 2008, đây cũng là di sản phi vật thể đầu tiên của Việt Nam được công nhận. Đây là thể loại nhạc được sử dụng trong cung đình thời phong kiến, được biểu diễn vào các dịp lễ hội (vua đăng quang, băng hà, các lễ hội tôn nghiêm khác) trong năm của các triều đại nhà Nguyễn của Việt Nam. Nhã nhạc cung đình Huế từng được UNESCO công nhận là “kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại” năm 2003 và đến năm 2008 mới chính thức được công nhận di sản văn hóa cần được gìn giữ, bảo vệ và phát huy.
2Không gian văn hóa cồng chiêng
Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể của thế giới năm 2008 sau Nhã nhạc cung đình Huế. Trước đó ngày 15 tháng 11 năm 2005, Không gian văn hóa cồng chiêng được công nhận là “kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại”. Không gian văn hóa cồng chiêng thường được sử dụng trong các lễ hội như Lễ mừng lúa mới, Lễ cúng Bến nước…tại các tỉnh ở khu vực Tây Nguyên như Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông và Lâm Đồng. Lễ hội cồng chiêng được tổ chức hàng năm ở đây để gìn giữ và phát huy một cách tốt nhất giá trị của di sản này.
3Dân ca Quan họ
Dân ca Quan họ được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể vào ngày 30/9/2009. Đây là một làn điệu dân ca phổ biến của vùng châu thổ sông Hồng ở miền Bắc nước ta, cụ thể là Bắc Ninh và Bắc Giang, tuy nhiên người ta nhớ đến dân ca quan họ Bắc Ninh nhiều hơn. Dân ca quan họ ngoài là một điệu hát dân ca còn gắn với lối ứng xử chân tình, khéo léo, là làn điệu mời nước, mời trầu thật chân tình, nồng thắm.
4Ca trù
Ngày 1/10/2009, ca trù chính thức được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể. Đây là một loại hình diễn xướng bằng âm giai rất thịnh hành vào thế kỷ 15 tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ Việt Nam. Ca trù chính là sự phối hợp đỉnh cao giữa âm nhạc và thi ca. Tuy nhiên, hiện nay giới trẻ không mặn mà với loại hình nghệ thuật này, nó đang có xu hướng mai một dần.
5Hội Gióng
Hội Gióng tại đền Phù Đổng và đền Sóc, Hà Nội được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể vào năm 2010. Đây là lễ hội được tổ chức tại nhiều nơi thuộc Hà Nội để tưởng nhớ anh hùng Thánh Gióng, hình tượng bất tử trong lòng người dân Việt. Hội Gióng Phù Đổng được tổ chức hàng năm vào hai ngày 8 và 9/4 âm lịch tại xã Phù Đổng, huỵện Gia Lâm, thành phố Hà Nội, đây là nơi đã sinh ra anh hùng Phù Đổng Thiên Vương.
6Hát xoan
Hát Xoan đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại ngày 24/11/2011. Đây là loại hình dân ca lễ nghi phong tục hát thờ thần, thành hoàng với các hình thức nghệ thuật như ca nhạc, hát, múa. Hát xoan thường được biểu diễn vào dịp đầu xuân, phổ biến ở vùng đất tổ Hùng Vương – Phú Thọ, một tỉnh thuộc vùng trung du Việt Nam. Để gìn giữ di sản văn hóa, hiện này tỉnh Phú Thọ có mở các lớp học dạy hát xoan, tôn tạo lại các di tích miếu, đình, nơi hát xoan được tổ chức.
7Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được UNESCO công nhận là di sản văn hóa vào năm 2012. Đây là một loại hình tín ngưỡng dân gian được lưu truyền lâu đời ở Việt Nam mà cùng là loại hình tín ngưỡng duy nhất của Việt Nam được UNESCO vinh danh. Thờ cúng vua hùng là cách mỗi người dân Việt Nam thể hiện lòng thành kính, sự biết ơn- tri ân công đức các Vua Hùng là những người có công dựng nước Văn Lang.
8Đờn ca tài tử Nam Bộ
Đờn ca tài tử Nam bộ được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể vào năm 2013. Đây là một dòng nhạc dân tộc của Việt Nam và là loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng của vùng Nam Bộ do chính những người lao động ca hát sau khi làm việc mệt mỏi. Đàn tranh, đàn tỳ bà, đàn kìm, đàn cò, và đàn tam là những nhạc cụ chính dùng để đờn ca tài tử. Người tham gia đờn ca tài tử đa số là bạn bè, chòm xóm với nhau, họ tập trung để chia sẻ thú vui tao nhã nên thường không câu nệ về trang phục.
9Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh
Dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hoá phi vật thể được UNESCO công nhận vào năm 2014. Đây là loại hình nghệ thuật dân ca chiếm vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa của người dân 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh thuộc miền Trung Việt Nam. Lời ví giặm thường gắn với đạo lý ở đời và có tính giáo dục rất cao.
10Nghi lễ kéo co
Ngày 2.12.2015 nghi lễ và trò chơi kéo co ở Việt Nam được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể của thế giới. Ngoài Việt Nam thì nghi lễ và trò chơi kéo co ở các nước Campuchia, Hàn Quốc, Philippines cũng được UNESCO công nhận.
Để lại một bình luận